CHO TRẺ HỌC TIẾNG ANH TỪ ĐỘ TUỔI MẦM NON, TẠI SAO KHÔNG ?
Nhiều bậc cha mẹ, phụ huynh có con cái ở độ tuổi 4-6 tuổi luôn băn khoăn suy nghĩ, liệu có nên cho trẻ học tiếng Anh từ sớm hay không ?
Thực tế cho thấy, trẻ mầm non có thể cùng lúc tiếp thu nhiều hơn một ngôn ngữ là việc rất tự nhiên, bản năng, thoải mái và dễ dàng hơn chúng ta vẫn tưởng rất nhiều.
Theo các nhà nghiên cứu, từ 3 đến 5 tuổi (độ tuổi mẫu giáo) là giai đoạn “vàng” của sự phát triển ngôn ngữ. Ở giai đoạn này, trẻ có những đặc điểm ưu việt, trở thành lợi thế trong việc làm quen và học ngoại ngữ mà ở người trưởng thành không có được. Đó chính là khả năng nghe, bắt chước và khả năng ghi nhớ rất tốt.
LÝ DO NÊN CHO TRẺ HỌC TIẾNG ANH TỪ SỚM.
Việc học Tiếng Anh từ độ tuổi mầm non mang lại nhiều lợi ích to lớn cho trẻ, cụ thể:
– Phát âm chuẩn ngay từ đầu: Ở độ tuổi mầm non, các bé thường thích học nói và làm quen với những âm điệu của ngôn ngữ. Vậy nên, tiếp xúc với Tiếng Anh từ sớm giúp trẻ phát âm chuẩn, nghe nói lưu loát và tự nhiên như người bản ngữ.
– Phát triển trí tuệ: Rất nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, việc học Tiếng Anh rất tốt cho não bộ của trẻ em, giúp trẻ phát triển tư duy, linh hoạt trong nhận thức. Trẻ sẽ tập trung chú ý tốt hơn trong khi học, hiểu các khái niệm toán học nhanh hơn, có khả năng giải quyết các vấn đề dễ dàng hơn so với những trẻ chỉ học ngôn ngữ mẹ đẻ.
– Phát triển tình cảm – xã hội: Học cùng lúc hai ngôn ngữ giúp trẻ kết nối các nền văn hóa với cộng đồng và gia đình. Những yếu tố này góp phần giúp trẻ phát triển cá tính riêng. Các nghiên cứu còn thấy rằng những trẻ được lớn lên trong môi trường song ngữ sẽ phát triển tốt hơn về khả năng tự chủ – một chỉ số đánh dấu sự thành công trong môi trường học đường sau này.
– Học tập tốt hơn: Khả năng đọc hiểu và tư duy bằng hai ngôn ngữ khác nhau giúp trẻ cải thiện tư duy trừu tượng lên cấp độ cao hơn, điều này rất quan trọng đối với khả năng học tập. Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy những trẻ dùng hai ngôn ngữ trở lên có thể loại bỏ tốt hơn các thông tin không liên quan. Điều thú vị là trẻ có thể dễ dàng áp dụng các kiến thức từ ngôn ngữ thứ nhất sang ngôn ngữ thứ hai một cách dễ dàng.
– Thành công về lâu dài: Khoảng ½ đến 2/3 dân số thế giới hiện nay sử dụng ít nhất hai ngôn ngữ. Việc sở hữu hai ngôn ngữ trở lên, đặc biệt là ngôn ngữ thông dụng như Tiếng Anh mang lại nhiều lợi ích cho trẻ khi lớn lên. Trong thế giới toàn cầu hóa, những người biết nhiều ngôn ngữ có cơ hội tìm kiếm việc làm tốt hơn, tham gia vào cộng đồng toàn cầu bằng nhiều cách, tiếp cận thông tin ở nhiều nơi và học được từ nhiều người thông qua các nền văn hoá khác nhau.