Lên dàn bài khi viết và dùng Chat GPT để tìm thêm ý tưởng cho bài thi Speaking là cách Minh Đức đạt 9.0 IELTS.
Đặng Minh Đức, 28 tuổi, đạt 9.0 IELTS, trong đó hai kỹ năng Đọc (Reading) và Nghe (Listening) đạt 9, Viết (Writing) và Nói (Speaking) đạt 8.5, trong bài thi trên máy tính ở Hà Nội hôm 21/11.
Theo thống kê trên trang chủ IELTS, năm 2022, khoảng 1% số người thi IELTS ở Việt Nam đạt điểm 8.5 trở lên. Riêng mốc 9.0, chỉ hơn chục người đạt được.
Minh Đức từng du học ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha và Kinh tế tại Đại học Grinnell, Iowa, Mỹ. Sau khi tốt nghiệp năm 2019, anh về nước, thử sức với việc giảng dạy IELTS. Nhờ vốn kiến thức và trải nghiệm sống tại nước ngoài, Đức khá dễ dàng đạt 8.5 cho cả sáu lần thi trước đó.
Trong lần thi này, Đức nói thay đổi lớn nhất nằm ở kỹ năng Viết. Đức lên dàn ý, tập trung vào xây dựng tính logic, phân bổ thời gian theo quy tắc một phần ba, 15 phút dành cho phần mô tả biểu đồ (Part 1) và 45 phút cho phần viết bài luận (Part 2).
Ở phần 1, đề bài có nhiều dạng khác nhau như biểu đồ đường, cột, bảng, bản đồ, quy trình… với nhiều dữ liệu. Để đạt điểm cao, theo Đức phải học cách nhóm số liệu thành các đoạn, thay vì chỉ mô tả số liệu đơn thuần. Ngoài ra, thí sinh cần nhớ các từ vựng, cấu trúc cụ thể sử dụng cho từng dạng bài để viết câu trôi chảy.
Ở phần viết luận, Đức phát hiện ra điểm yếu trong các lần thi trước là lựa chọn luận điểm không đúng trọng tâm của câu hỏi, khiến các luận điểm rời rạc, không liên kết và hỗ trợ cho nhau. Do đó, Đức cải thiện bằng cách dành 10 phút để lên dàn bài chi tiết, suy nghĩ và sắp xếp các luận điểm theo chuỗi nguyên nhân kết quả trước khi viết.
“Phương pháp này rất hiệu quả vì chúng ta phải suy nghĩ kỹ và logic hơn về các lập luận mà mình nêu ra”, Đức nói. Anh thường đặt ra nhiều câu hỏi khi viết như: Mình có thật sự tin vào luận điểm này không?, Điều mình đang nói ở đây có thật sự đúng trong mọi trường hợp không?.
Để có các luận điểm chất lượng, mấu chốt nằm ở hiểu biết xã hội. Đức thường đặt mục tiêu mỗi ngày đọc ba bài báo trên Times hoặc Vnexpress International vì lối viết và chủ đề của hai tờ này khá tương tự với các bài viết IELTS điểm cao.
“Nó giúp mình thực hiện mục tiêu kép, vừa nạp thêm kiến thức, vừa học được nhiều từ vựng xịn sò và cách hành văn hiệu quả”, Đức cho hay.
Ngoài ra, Đức khuyên nhìn một vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau như kinh tế, giáo dục, xã hội hay nhìn vấn đề từ góc nhìn cá nhân, gia đình, cộng đồng, quốc gia và quốc tế. Từ đó, người học và thi IELTS có thể làm phong phú các lập luận của mình.
Đức ưu tiên viết câu văn với độ dài vừa phải, tránh viết các câu quá dài (nhiều hơn 4 mệnh đề) hay dùng từ vựng cao cấp quá đà khiến cho câu trở nên cồng kềnh, thiếu tự nhiên.
Theo Đức, luyện viết mất nhiều thời gian, khiến nhiều học sinh ngại ôn tập. Mẹo của Đức “bẻ nhỏ” bài luận, dành 15-20 phút để luyện viết một đoạn của thân bài thay vì viết cả bài, sau đó dần dần rút ngắn thời gian luyện tập này lại.
Với phần thi Nói, Đức nhìn nhận giám khảo đánh giá rất cao sự tự nhiên của ứng viên khi trả lời. Do đó, trước khi lo về diễn đạt tiếng Anh, người học có thể tập trả lời các câu hỏi bằng tiếng Việt trước, đặc biệt với các câu hỏi nghị luận xã hội khó ở phần thứ ba của kỹ năng này.
Để tránh “bí” ý tưởng, Đức thường nghe những câu trả lời mẫu hoặc tìm câu trả lời bằng Chat GPT, sau đó tập diễn đạt lại các câu này theo ý của mình.
“Sử dụng cách này sẽ tiết kiệm được thời gian nghĩ ý và thực hành được luôn các từ vựng, cách diễn đạt mới mà mình học được trong các câu trả lời mẫu”, theo Đức.
Ở kỹ năng Nghe, chìa khóa để đạt điểm cao là nghe hiểu từng câu trong các đoạn hội thoại, thay vì chỉ bắt từ khóa (key word). Đức lý giải người ra đề thường cài bẫy khi nhắc các từ có trong đáp án sai, khiến thí sinh nghĩ đó là đáp án đúng.
“Nếu mình chỉ nghe được loáng thoáng vài từ nhưng chưa đạt được đến mức hiểu cả câu thì sẽ rất dễ bị lừa”, Minh nói.
Để luyện tập kỹ năng này, Đức nghe audio trong bộ IELTS Cambridge. Ngoài ra, thí sinh có thể kết hợp nghe các nguồn khác theo sở thích, tập tóm tắt lại thông tin để tự kiểm tra xem bản thân đã thực sự hiểu nội dung hay chưa.
Cuối cùng, với kỹ năng Đọc, Đức cho rằng việc mổ xẻ lại vấn đề sau khi làm bài quan trọng hơn việc chỉ chấm và xem đáp án. Đức thường đặt câu hỏi tại sao đáp án này lại đúng, khi chọn đáp án sai ban đầu thì mình đã tư duy như thế nào, điểm sai trong hướng tư duy này là gì.
Khi đọc, thí sinh phải luận ra được ý mà tác giả muốn truyền đạt, xác định mạch viết của bài và tổng kết ý chính của từng đoạn.
“Điều này giúp người thi để ý đến các chi tiết được gài trong bài và không liên tục mắc các lỗi sai giống nhau”, Đức phân tích.
Nguồn : vnexpress.net