0917 599 729

Nhiều loại học bổng cho du học sinh Việt ở Đài Loan

Du học sinh Việt có thể được miễn học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí và nhiều cơ hội việc làm, đặc biệt trong ngành bán dẫn, với chính sách thu hút sinh viên quốc tế của Đài Loan.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục Đài Loan, năm 2022 có gần 24.000 người Việt đang học tập tại đây, đứng đầu về số du học sinh quốc tế. Trong số này, khoảng 16.000 người theo các chương trình cấp bằng, hơn 7.000 học chương trình tiếng Trung hoặc diện trao đổi.

Bà Nicole Yen-Yi Lee, Giám đốc Vụ Giáo dục quốc tế và xuyên eo biển, Bộ Giáo dục Đài Loan, cho hay lợi thế của du học Đài Loan là khoảng cách địa lý gần, nhiều nét tương đồng trong văn hóa, ẩm thực với Việt Nam. Các ngành học chất lượng cao ở đây là Kỹ thuật, chất bán dẫn, Y học. Mặt khác, mức sống và chi tiêu ở Đài Loan cũng hợp lý.

Theo bà, vì nhiều yếu tố, cộng với tỷ suất sinh của Đài Loan thấp nên số sinh viên đại học ngày càng sụt giảm. Do đó, Đài Loan có nhiều chính sách để thu hút sinh viên quốc tế, đặc biệt là sinh viên Việt Nam.

Hiện sinh viên Việt Nam đến Đài Loan có thể tìm kiếm học bổng thông qua hai nguồn chính: Học bổng của chính quyền và học bổng của các đại học.

Bà Nicole Yen-Yi Lee, Giám đốc Vụ Giáo dục quốc tế và xuyên eo biển, Bộ Giáo dục Đài Loan. Ảnh: Lệ Nguyễn

Bà Nicole Yen-Yi Lee, Giám đốc Vụ Giáo dục quốc tế và xuyên eo biển, Bộ Giáo dục Đài Loan. Ảnh: Lệ Nguyễn

Chương trình học bổng của chính quyền dành cho du học sinh bậc đại học và sau đại học với mức 40.000 Đài tệ (hơn 30 triệu đồng) mỗi học kỳ để chi trả học phí. Nếu học phí vượt quá, du học sinh phải tự đóng phần còn lại. Hàng tháng, sinh viên được trợ cấp thêm sinh hoạt phí 15.000 – 20.000 Đài tệ, tùy bậc đại học hay cao học.

Để xin học bổng, ứng viên ngoài đáp ứng điều kiện đầu vào của các đại học, cần có chứng chỉ TOCFL (chứng chỉ tiếng Trung gồm 6 cấp độ, từ A1 đến C2) từ B1 hoặc chứng chỉ tiếng Anh IELTS 5.5, TOEIC 600, TOEFL (iBT) 60 điểm trở lên.

Ngoài ra, Đài Loan có kế hoạch chi 162,5 triệu USD để thu hút 320.000 sinh viên quốc tế đến học tập và làm việc trong lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán) từ nay tới năm 2030. Trong đó giữ chân được 210.000 cử nhân, nâng tỷ lệ sinh viên quốc tế ở lại làm việc từ 40% lên 70%.

Theo chương trình này, sinh viên sẽ được nhận học bổng gồm học phí, các lệ phí khác và trợ cấp ít nhất 10.000 Đài tệ (khoảng 7,6 triệu đồng) hàng tháng. Số tiền này đủ để sinh viên trang trải chi phí sinh hoạt. Điều kiện là sau khi tốt nghiệp, họ phải làm việc tại Đài Loan hai năm.

Phòng thí nghiệm, nghiên cứu chất bán dẫn của Đại học Quốc lập Thanh Hoa. Ảnh: Lệ Nguyễn

Phòng thí nghiệm, nghiên cứu chất bán dẫn của Đại học Quốc lập Thanh Hoa. Ảnh: Lệ Nguyễn

Trong khi đó, học bổng ở các đại học cũng rất đa dạng. Điều kiện chung là ứng viên đạt IELTS từ 5.0 hoặc TOCFL từ A1, điểm trung bình học tập ở THPT từ 6 trở lên. Ứng viên bậc thạc sĩ, tiến sĩ phải có bằng tốt nghiệp đại học cùng thư giới thiệu từ trường hoặc cơ quan làm việc.

Bà Vivian Chung, Phòng Hợp tác quốc tế, Đại học Quốc lập Tôn Trung Sơn, cho biết tất cả sinh viên năm thứ nhất sẽ được trợ cấp 6.000 Đài tệ (khoảng 4,6 triệu đồng) mỗi tháng. Số tiền này tương đương hoặc cao hơn học phí. Các năm sau, sinh viên phải có kết quả học tập từ 2.44/4 trở lên để duy trì học bổng.

Với bậc thạc sĩ, tiến sĩ, học viên được miễn học phí. Riêng học viên tiến sĩ sẽ được trợ cấp sinh hoạt phí 15.000 Đài tệ (khoảng 11,5 triệu đồng) mỗi tháng. Hiện Đại học Quốc lập Tôn Trung Sơn có 45 sinh viên Việt Nam theo học, ở các ngành Khoa học xã hội, Nghệ thuật, Quản lý, Kỹ thuật.

Đại học Quốc lập Đài Loan (NTU) – trường đứng đầu Đài Loan, top 70 thế giới theo QS Rankings thì cấp học bổng 100% học phí cùng trợ cấp tối đa 8.000 Đài tệ (hơn 6 triệu đồng) mỗi tháng. Tuy nhiên, điều kiện đầu vào của NTU cao hơn. Ứng viên phải có chứng chỉ IELTS 5.5 hoặc TOCFL từ A2 trở lên. Trường cho biết 52 sinh viên người Việt đang theo học ở đây, chủ yếu ở ngành Kỹ sư công trình, Quản lý xây dựng, Luật.

Hai học viên người Việt đang vận hành máy tạo khuôn chip bán dẫn tại phòng thực hành Đại học Minh Tân. Ảnh: Lệ Nguyễn

Hai học viên người Việt đang vận hành máy tạo khuôn chip bán dẫn tại phòng thực hành Đại học Minh Tân, tháng 10. Ảnh: Lệ Nguyễn

Ở các đại học tư, du học sinh Việt được hưởng hỗ trợ từ chương trình vừa học vừa làm. Trong đó, thời gian thực tập tại doanh nghiệp chiếm đến 50-70%, tùy ngành, trường.

Đại học Minh Tân có khoảng 1.100 du học sinh người Việt, là trường có nhiều sinh viên người Việt nhất tại Đài Loan. 85% trong số này học các ngành khoa học kỹ thuật liên quan đến chất bán dẫn, chủ yếu theo chương trình 2+2 (hai năm học ở trường, hai năm làm ở doanh nghiệp). Sinh viên được giảm 50% học phí trong năm đầu và xét học bổng dựa trên kết quả học tập cho các năm sau. Mỗi tuần, sinh viên được làm thêm tối đa 10 giờ, lương trung bình là 176 Đài tệ/giờ (135.000 đồng). Trong hai năm thực tập tại doanh nghiệp, sinh viên được nhận hỗ trợ 26.400 Đài tệ mỗi tháng (khoảng 20 triệu đồng).

TS Max K-W. Liu, Hiệu trưởng Đại học Minh Tân, cho biết thời gian thực tập hai năm giúp sinh viên thuần thục kỹ năng, nắm vững quy trình làm việc thực tế, là lợi thế xin việc tại Đài Loan sau khi tốt nghiệp.

Tương tự, Đại học Khoa học và Kỹ thuật Long Hoa cũng đẩy mạnh tuyển sinh chương trình này. Sinh viên được giảm 50% học phí năm đầu, thời gian thực tập tại doanh nghiệp chiếm phần lớn trong ba năm còn lại sẽ nhận lương tùy vị trí công việc.

Đại diện nhà trường cho biết có hơn 1.000 sinh viên Việt Nam theo học các ngành Khoa học, Kỹ thuật, Chất bán dẫn. Những năm qua, khoảng 85% sinh viên sau tốt nghiệp ở lại Đài Loan làm việc. Riêng lĩnh vực Chất bán dẫn, mức lương sinh viên mới ra trường khoảng 2.000-3.000 USD/tháng (50-70 triệu đồng).